Theo ông Jang Ho Young, sau nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm tìm kiếm và tuyển chọn nhà cung ứng Việt, hiện tại, con số doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng gấp 3 lần so với năm 2015.
Cụ thể, từ 4 nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt, nay đã tăng lên thành 12. Ngoài ra, còn có 178 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 2. Như vậy, hiện đã có 190 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia chuỗi cung ứng của Samsung.
Số doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng của SEV/T (tại miền Bắc) là 6 doanh nghiệp cấp 1 và 155 doanh nghiệp cấp 2. Đối với SEHC (TP HCM) con số tương ứng là 6 doanh nghiệp cấp 1 và 23 doanh nghiệp cấp 2.
Tuy nhiên, theo ông Jang Ho Young, mặc dù tăng gấp 3 lần song phần lớn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cấp 1 và cấp 2 cho Samsung chủ yếu là in ấn và bao bì.
Samsung san tim nha cung cap oc vit, sac pin Viet Nam
DN Việt tham gia chuỗi cung ứng Samsung vẫn chủ yếu làm in ấn và bao bì
Trong khi đó, cũng tại buổi triển lãm, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng đây là con số khiêm tốn.
“Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu tham gia vào công đoạn giá trị thấp, chưa có nhiều nhà cung cấp sản phẩm linh kiện công nghệ cao tham gia được vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này”, ông Tú nhận định.
Đơn cử, trong 161 công ty cung ứng cho nhà máy sản xuất của Samsung tại Bắc Ninh (SEV) thì có tới 88 doanh nghiệp (2 cấp 1, 86 cấp 2) thuộc lĩnh vực in ấn và bao bì. Số đơn vị cung cấp sản phẩm mang hàm lượng giá trị cao hơn như thiết bị điện tử chỉ có 3 doanh nghiệp, nhưng ở mức độ cung ứng gián tiếp…
Trao đổi về tiềm năng của các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Việt Nam, ông Han Myoungsup – TGĐ Khu Tổ hợp Sản xuất Samsung khẳng định “ Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam thực sự có tiềm năng và năng lực”.
Ông cho biết thêm trong thời gian tới, Samsung sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục có những chương trình đào tạo nhằm giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực.
Bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng được các điều kiện của Samsung về chất lượng – thời gian giao hàng – giá cả đều có cơ hội trở thành nhà cung ứng của Samsung - Ông Han Myoungsup cũng nhấn mạnh.
Cũng theo phía Samsung Việt Nam, hiện doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục khảo sát năng lực của doanh nghiệp Việt Nam để đánh giá và thẩm định năng lực trong việc cung ứng linh, phụ kiện cho các nhà máy của hãng tại Việt Nam.
Trước đó, từ tháng 9/2015 đến nay, Samsung đã cử chuyên gia dày dặn kinh nghiệm từ Hàn Quốc sang trực tiếp hỗ trợ cho 9 công ty tại Việt Nam trong 3 tháng để cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Đơn cử, sau 3 tháng được chuyên gia Samsung tư vấn, tại công ty Goldsun, tỉ lệ hàng tồn kho giảm hơn 60%, tỉ lệ lỗi thiết bị giảm 72%, trong khi tỉ lệ sản xuất chính xác đối với số lượng yêu cầu tăng từ 0% lên 94%.
Còn tại công ty Mida, hiệu suất tổng hợp thiết bị đã tăng 26%, năng suất vận hành thiết bị tăng 59%, tỉ lệ hàng lỗi giảm 52%, tỉ lệ hàng tồn kho giảm 54%.
Với tư cách nhà điều hành, ngoài chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, lãnh đạo Bộ Công Thương hứa sẽ nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp thực tế hơn, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng đạt chuẩn của các tập đoàn đa quốc gia, mà không riêng gì Samsung.
Đây cũng là thực tế cho thấy nhu cầu bức thiết phải đẩy nhanh phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam nếu muốn đạt được mục tiêu Chính phủ kỳ vọng, sẽ chiếm 33% giá trị ngành chế biến - chế tạo trong 5 năm tới.